Chè Shan tuyết là nguồn nguyên liệu sạch, tạo ra hương vị tuyệt vời và quý hiếm cho những ấm chè đặc sản. Bảo tồn và phát triển bền vững cây chè Shan tuyết có ý nghĩa cấp thiết, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội cho đồng bào vùng cao.
Ngát thơm hương chè
Nhờ có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tự nhiên đặc thù của vùng núi cao, chè Shan tuyết Hà Giang có những đặc điểm riêng biệt. Chè có cánh to, đều, xoăn chặt, lộ tuyết, mùi thơm mạnh, đặc trưng, khi pha có màu nước xanh và vàng sáng. Hàm lượng chất tanin và khoáng chất cao nên có vị chát, đắng nhẹ và ngọt hậu đậm. Mang giá trị dinh dưỡng cao, có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe con người.
Được biết, Hà Giang là vùng sản xuất chè trọng điểm của cả nước với tổng diện tích lên đến hơn 20.300 ha, đứng thứ 3 sau tỉnh Lâm Đồng và Thái Nguyên. Trong đó, diện tích chè Shan tuyết lên đến hơn 18.600 ha, chiếm 90,28% diện tích trồng chè toàn tỉnh, chè Shan tuyết cổ thụ có độ tuổi hàng trăm năm là 7.000 ha. Cây chè Shan tuyết được phân bố ở 11/11 huyện, thành phố trong tỉnh, trong đó có 5 huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần có diện tích lớn nhất. Mỗi năm, thu hoạch khoảng 14.000 ha với sản lượng ước tính trên 55.000 tấn.
Hiện, toàn tỉnh hiện có 1.629 cây chè Shan tuyết cổ thụ được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận cây Di sản Việt Nam, đưa Hà Giang trở thành địa phương có số lượng cây chè Shan tuyết cổ thụ được công nhận cây Di sản Việt Nam nhiều nhất cả nước. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển giống chè quý hiếm, là tiền đề quan trọng để nâng cao giá trị kinh tế từ chè, thúc đẩy phát triển du lịch trải nghiệm vùng chè tại Xá Phìn nói riêng và Hà Giang nói riêng.
Năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận 100 cây chè Shan tuyết đầu dòng tại 5 huyện trọng điểm về chè, tạo cơ sở lưu giữ nguồn gen phục vụ công tác nhân giống cho vườn ươm bằng hình thức gieo hạt, giâm cành.
Ông Đặng Văn Háu – Già bản thôn Xà Phìn, chủ HTX Trồng và Chế biến chè Shan cổ thụ trà Pèng chia sẻ tại Lễ hợp tác cho sự nghiệp Bảo tồn và Phát triển Di sản văn hóa chè Shan tuyết cổ thụ: Xưa nay, đối với tôi với bà con thôn Xà Phìn, cây chè Shan tuyết gắn với chúng tôi như máu thịt. Chúng tôi yêu cây chè nhưng không có điều kiện để tiếp cận với các công nghệ và phương thức mới để có thể nâng tầm cây chè của chúng tôi. Chỉ đến khi các siêu thị đến đặt thu mua độc quyền rồi các công ty trong Đà Nẵng đến hỏi mua tôi mới biết là chè quê hương mình có phẩm vị tuyệt vời đến vậy.
Nhờ sự quan tâm, định hướng của chính quyền địa phương, cùng sự đồng thuận của người dân thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên vẫn giữ được nguyên trạng nét hoang sơ cùng văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao, đặc biệt tham quan trải nghiệm hoạt động khám phá chè Shan tuyết. Trong những năm gần đây, nhiều du khách biết đến tham quan, trải nghiệm, giúp người dân tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch địa phương khởi sắc. Từ đầu năm 2023 tới nay, thôn Xà Phìn đã đón trên 12.000 lượt du khách. Những con số này đã góp phần mở ra thêm những cơ hội mới trong việc phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương trong thời gian tới.
Đưa chè vươn xa
Nhận thấy những tiềm năng của thương hiệu chè Shan tuyết cổ thụ, cùng với mong muốn giữ gìn, phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương, người dân xã Xá Phìn đã không ngừng nỗ lực thực hiện các mục tiêu bảo tồn, phát triển thương hiệu chè Shan tuyết cổ thụ.
Nhiều doanh nghiệp trên cả nước đã mạnh dạn đầu tư trồng, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ chè Shan tuyết cổ thụ của địa phương. Việc công ty TNHH Phong Cách Cổ Điển hợp tác, đầu tư tại HTX Trồng và Chế biến chè Shan cổ thụ trà Pèng đã mở ra một bước tiến mới cho quá trình đưa chè Shan tuyết Xá Phìn đi xa.
Ông Đặng Văn Háu chia sẻ: Việc Công ty TNHH Phong Cách Cổ Điển đến tài trợ không hoàn lại cho HTX trà Pèng không phải là tình cảm cá nhân giữa hai đơn vị, mà đó là một tình yêu quê hương và tự tôn dân tộc lớn lao. Họ đã đánh thức để tôi nhận ra trách nhiệm gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc. Tôi tin sự tốt đẹp này sẽ như hương thơm ngược gió bay đi khắp muôn nơi. Và bất kỳ nơi đâu có di sản quý thì đều cần mọi người cùng nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị.
Ông Lương Tuấn Anh – Chủ tịch Hội Đồng quản trị Công ty TNHH Phong Cách Cổ Điển cho biết: Rung động trước sự hy sinh, với đời sống tinh thần tuyệt vời của bà con, và đứng trước tinh hoa kỳ vỹ của biên cương với những cây trà cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên những đỉnh núi cao, cùng sự nồng hậu và tình yêu của bà con. Vì thế, chúng tôi thấy đây là điều may mắn và có quyết định dừng chân để cống hiến cùng bà con bảo tồn, phát triển cây chè cổ thụ, phát huy các công thức chế biến trà cổ truyền của dân tộc, của những thế hệ cha ông đi trước để lại.
Theo điều tra của phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, Công ty TNHH Phong Cách Cổ Điển hiện đang sở hữu các công thức chế biến và sản xuất độc đáo về trà xanh, trà lên men. Công ty cũng đã có nhiều sản phẩm đạt chất lượng tốt trên thị trường, đem lại giá trị kinh tế cao.
Ông Tuấn Anh cũng cho biết thêm, trong thời gian tới Công ty TNHH Phong Cách Cổ Điển cũng sẽ cố gắng hết sức, dùng hết năng lực của mình để cống hiến và có nhiều bài toán khác nhằm bảo tồn và phát triển giống chè Shan tuyết cổ thụ.
Được biết, sản phẩm chè Shan tuyết của HTX Trồng và Chế biến chè Shan cổ thụ trà Pèng đã nhận chứng nhận OCOP 3 sao, khẳng định chất lượng chè trên thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, mở ra nhiều cơ hội mới trong việc đưa chè Shan tuyết cổ thụ vươn xa trong thời gian tới.