Mr. Tính Phan đã có buổi trò chuyện cởi mở về tầm nhìn của Grammy Music so với thị trường toàn cầu nói chung, thị trường nhạc Việt nói riêng.
Vì sao anh quyết định thành lập Grammy Music Việt Nam và sẽ có những định hướng gì cho talent trong công ty?
Trước đây, tôi từng là đồng sáng lập Great Entertainment và là quản lý của những nghệ sĩ khá thành công như Hoài Lâm, Quân A.P, B Ray, Masew,… nhưng sau đó vì 1 số vấn đề cá nhân xảy ra do lỗi bản thân, cũng như covid đã khiến tôi quyết định thay đổi con đường mình đi. Quyết định đồng hành cùng những talent mới và thành lập Grammy Music Việt Nam.
Vậy những định hướng của anh về nghệ sĩ công ty sẽ như thế nào? Hiện tại công ty đã có bao nhiêu talent?
Tôi không dùng từ định hướng mà sẽ thay bằng tầm nhìn, tôi mong muốn các talent vào công ty sẽ có sân khấu, vị trí nhất định. Đó là sân khấu lớn thoả mãn được đam mê của tôi, của các nghệ sĩ cũng như anh em trong công ty. Tôi không mong muốn công ty lập ra chỉ để kiếm tiền, những talent phù hợp với công ty sẽ là những bạn có tài năng thực sự với giọng hát, tư duy và khả năng sáng tạo trong âm nhạc. Công ty cũng sẽ không đi theo những dòng nhạc cũ hay truyền thống hoá mà sẽ đi theo con đường riêng.Trước đó, công ty có những taletn như Rapper Huỳnh Công Hiếu, Top 10 Miss Univers 2023 – H’Duyen Bkrong, Phát Hồ… và hiện tại đang có các nghệ sĩ độc quyền như CiiN – Ngô Đình Nam – H Kray, Quỳnh Anh (The Voice Kids) và một số thực tập sinh khác.
Khi chọn nghệ sĩ anh xem trọng tư duy nghệ thuật hay giọng hát?
Nếu phải chọn 1 trong 2 tôi sẽ chọn tư duy trước vì có tư duy nghệ thuật sẽ biết khai thác giọng hát của bản thân cũng như cố gắng cải thiện, thay đổi. Còn nếu chỉ có giọng hát mà không tư duy sẽ là 1 thiệt thòi trong thời điểm hiện tại – thời đại âm nhạc của Gen Z và sau cả thế hệ Gen Z nữa.
Đứng sau thành công của nhiều nghệ sĩ lớn thì anh có rút ra bài học kinh nghiệm nào trong việc phát triển các talent sắp tới?
Tôi cũng có may mắn khi nhận được sự tín nhiệm của các anh chị em nghệ sĩ thành ra cũng sẽ nhận được sự ưu tiên hỗ trợ từ phía họ trong mối quan hệ của công ty cũng như cá nhân tôi. Tôi có quan điểm trong việc lựa chọn âm nhạc cũng như thị hiếu khán giả, đi lên bằng chính thống và đặc biệt không tạo scandal. Chúng ta có thể bị thị phi, chấp nhận nó và sửa sai nhưng sẽ tuyệt đối không chủ động tạo ra nó.
Có những ekip dùng scandal để sản phẩm đến gần hơn với khán giả đại chúng thì anh nghĩ sao về những scandal vô thưởng vô phạt?
Tôi không muốn nói sâu về những công ty, nghệ sĩ khác nhưng đối với công ty tôi sẽ không chủ động tạo ra. Thay vì scandal, tôi sẽ sử dụng sự sáng tạo trong content marketing và 1 số kinh nghiệm trong việc chọn âm nhạc cũng như đường lối để tiếp cận khán giả. Ngoài âm nhạc và thực lực còn phải có cảm xúc.
Việc anh nói sẽ không chọn dòng nhạc quá cũ có đang làm giới hạn đối tượng mà các talent hướng đến?
Có thể, nhưng với công ty Grammy Music Vietnam, tôi có góc nhìn mới. Cả trên thế giới hay ở Việt Nam, những người thành công luôn có con đường riêng biệt, khắc nghiệt. Có thể kể đến The Weeknd đi con đường rất khác biệt hay,Shaw Mendes, Billie Eilish – bad guys thực thụ hoặc ngay chính ở Vietnam chúng ta có Quang Hùng Master D, Tăng Duy Tân,… hay chính siêu sao Sơn Tùng MTP là một minh chứng. Có rất nhiều con đường thành công, quan trọng là bạn đã cố gắng vì nó chưa, khi đó đã có 50% thành công, còn lại là sự cố gắng của tập thể.
Anh nghĩ tầm quan trọng của công ty quản lý với nghệ sĩ như nào khi vẫn có nhiều người tự đi lên mà thành công?
Để thành công không nhất thiết phải vào công ty quản lý mà có thể tự thành công với tài năng của riêng mình. Sẽ có những người tự hát, sáng tác được nhưng để lâu dài cũng như không bị đi lạc hướng thì sẽ cần 1 người, đơn vị đồng hành giúp họ đi xa hơn, bền vững hơn. Đó là những người hiểu âm nhạc cũng như sự tự do trong đam mê của bạn. Đã từng có những nghệ sĩ ngay ca khúc đầu đã tạo hit lớn nhưng sau đó lại lụi tàn, họ bị chìm đắm trong thành công và không biết định hướng tương lai. Có những bạn rất nổi trội trong các gameshow nhưng đi xa lại không có sản phẩm nổi bật.
Đối với những nghệ sĩ thuộc công ty thì anh sẽ làm gì cho các bạn có sự khác biệt?
Bên tôi đang chú trọng dòng nhạc là ballad, R&B và Rap. Chúng tôi không thay đổi tài năng và sở trường của nghệ sĩ mà chúng tôi khai thác và phát triển những điểm mạnh nhất của họ. Vì nếu để thay đổi thì sẽ đi tìm người khác. Còn đối với Rap tôi để các bạn tự do trong âm nhạc. Các bạn ấy có niềm đam mê rất mãnh liệt trong underground và tôi muốn các bạn đạt được những vị trí xứng đáng.
Mối quan hệ giữa nghệ sĩ và công ty hay thường xảy ra xung đột, vậy anh có lời khuyên nào để nghệ sĩ không phải những cỗ máy kiếm tiền và công ty cũng không điều hành nghệ sĩ như con rối, để 2 bên dung hoà để đi đường dài?
Cái này tôi quan điểm luôn từ khi đặt chân làm nghệ thuật là khi cộng tác với 1 talent cũng như hợp tác với 1 đối tác, có 2 vấn đề cần làm rõ. Thứ nhất là tài chính phải minh bạch rõ ràng, công việc thì phải xác định quyền quyết định thuộc về ai, góp ý thuộc về ai. Khi có vấn đề về tài chính thì chắc chắn sẽ không thể đi bền với nhau được. Còn quyền quyết định và góp ý thì ngay từ đầu mỗi công ty sẽ có những hợp đồng. Với tôi, tôi cho các bạn tự do tham vấn với công ty nhưng sẽ tuỳ vào từng sản phẩm mà quyền quyết định cuối sẽ là công ty hay talent chứ không nhất thiết lúc nào cũng phải là nghệ sĩ hay công ty.
Việc bắt đầu xây dựng 1 nghệ sĩ mới sẽ là 1 bài toán khó, khác với những bạn nghệ sĩ đã có tiếng và anh làm thế nào khi đối mặt với vấn đề kinh phí?
Tôi trước giờ đa phần đều làm với những người mới hoặc mới có 1 chút gì đó chứ chưa phải là những người đã có chỗ đứng trong thị trường VN. Vd như Quân A.P, khi đồng hành với tôi là những tên tuổi mới. Quân A.P còn là nghệ sĩ tôi debut cũng như đặt tên cho bạn nên tôi không có điều gì ngại khi làm với các bạn mới trong tương lai. Về tài chính hay định hướng công ty thì tôi cũng có những người bạn đồng hành luôn hỗ trợ và tin tưởng như chủ tịch Phạm Hùng Kim & anh Bảo Trần đồng hành.
Anh nghĩ mặt bằng chung nghệ sĩ hiện nay đang như nào và anh có tham vọng đưa tên tuổi các nghệ sĩ Việt Nam ra thế giới?
Về mặt bằng các nghệ sĩ trẻ, indie hay underground, tôi nghĩ các bạn thực sự rất tài năng. Kể từ 2-3 năm trước trở lại đây hoàn toàn là 1 thế giới mới với tôi, không hề kém các nghệ sĩ nước ngoài. Tôi đã đi nhiều nước, thậm chí là đại diện Việt Nam làm giám khảo cuộc thi Asia Fashion Award 2019 do Nhật Bản và Đài Loan đồng tổ chức, được ngồi cạnh những người rất nổi tiếng thì thấy VN không hề thua kém. Thời điểm đó tôi cũng đưa 2 bạn Việt Nam ra thị trường quốc tế và rất muốn có 1 sân khấu quốc tế mà có hơn 50% nghệ sĩ Việt trình diễn trong tương lai.
Anh nghĩ điều ngăn cản thị trường âm nhạc Việt Nam bùng nổ là gì?
Về kiếm tiền trực tiếp thì giờ các nghệ sĩ đều có thể tự làm vì có rất nhiều nền tảng nghe nhạc trực tuyến, show hay quảng cáo nhưng có rất nhiều vấn đề, đặc biệt là ngôn ngữ. Sở dĩ nhạc quốc tế phổ biến ở nhiều nước vì đơn giản họ dùng tiếng anh còn tiếng Việt không phải đất nước nào cũng có thể nghe và hiểu.
Thời điểm hiện tại giá trị của 2 chữ “nghệ sĩ” đang được đặt dấu hỏi lớn vì những vấn đề liên quan đến đạo đức. Vậy là 1 người quản lí những nghệ sĩ trẻ anh có những bảo vệ nào để tránh cho những talent của mình?
Đối với các nghệ sĩ của Grammy Music Việt Nam tuyệt đối sẽ đi bằng con đường chân chính để chiếm được tình cảm của khán giả. Trong trường hợp có điều gì không mong muốn xảy ra thì công ty vẫn sẽ bảo vệ nghệ sĩ nhưng không có nghĩa sẽ bênh vực, chống chế. Còn về việc nghệ sĩ hiện nay đang mất dần sức ảnh hưởng với người hâm mộ là có tuy nhiên không thể đánh đồng, vì còn nhiều nghệ sĩ vẫn đang làm việc chân chính và vẫn đang được nhiều người hâm mộ kính trọng.
Anh muốn điểm chung để công chúng nhớ đến những nghệ sĩ của Grammy Music là gì?
Có sức ảnh hưởng đến cộng đồng, giới trẻ và đặc biệt là mang đến những điều tích cực, năng lượng và mang sự giáo dục tốt đến với giới trẻ – những người đang trực tiếp nghe âm nhạc của họ.
Vậy định hướng của anh trong 1 năm, 3 năm và 5 năm của Grammy Music là như nào?
Trong 1 – 3 năm đầu, công ty Grammy Music Vietnam (GMV) sẽ tích cực xây dựng bộ máy nhân sự và hệ sinh thái các nền tảng mạng xã hội vững mạnh. Đồng thời đầu tư và phát triển các sản phẩm của nghệ sĩ độc quyền trong công ty.Song song, GMV luôn tìm kiếm và phát triển các tài năng mới muốn đầu quân về công ty.
Mô hình công ty của anh có học hỏi từ quốc gia nào không hay là độc lập của riêng anh?
May mắn là tôi được đến những công ty nổi tiếng trên thế giới, đặc biệt là SM Entertainment của Hàn Quốc. Tôi đã được trực tiếp vào và gặp ban lãnh đạo bên đấy và cách họ vận hành, quản lý thực sự quá tuyệt vời cũng như sức mạnh của công ty quản lý đã giúp rất nhiều cho talent. Có tài năng là chưa đủ, phải cần sự hỗ trợ về tài chính cũng như định hướng tốt. Minh chứng là tất cả sản phẩm của SM Entertainment hay YG đều quá thành công và họ đã vươn tới là nghệ sĩ quốc tế chứ không phải nghệ sĩ Hàn Quốc ra nước ngoài nữa.